Skip to content Skip to footer

BẠN ĐÃ TIÊM INSULIN ĐÚNG CÁCH ?

  1. Vị trí:


Người bệnh tiểu đường nên tiêm insulin ở những vị trí sau:

  • Vị trí bụng: Nên tiêm thuốc cách rốn ít nhất 4 – 5 cm.
  • Vị trí cánh tay: Vị trí thích hợp là ở giữa vai và khuỷu tay.
  • Vị trí đùi: Khi tiêm đùi, cần đâm kim vào phía trước của đùi, đoạn giữa đầu gối và háng, hơi lệch về phía ngoài chân.
  • Phía trên mông: Góc phần tư bên ngoài, phía trên mông.

Cần thay đổi luân phiên các vị trí tiêm, tránh tình trạng tiêm vào cùng 1 chỗ gây loạn dưỡng mỡ. Người bệnh có thể xoay vòng vị trí tiêm trong 1 vùng hoặc giữa các vùng

Tốc độ hấp thu theo các vị trí các vùng: bụng > đùi > cánh tay > mông

Các yếu tố làm tăng hấp thu Insulin cần tránh: vận động; tiêm bắp; xoa bóp chỗ tiêm.

Lớp mỡ dưới da mỏng, thể phì đại mô mỡ sẽ hấp thu chậm hơn.

2.  Cách tiêm:

Rửa tay sạch trước và sau tiêm. Kiểm tra lọ thuốc tiêm: Loại, hạn sử dụng, màu sắc, lợn cợn, đục hay trong.

Sau khi xác định thuốc đúng loại và đảm bảo chất lượng, bạn mới tiến hành lấy thuốc.

  1. Lọ insulin:
  • Lấy lọ thuốc ra khỏi tủ lạnh, lăn lọ thuốc giữa 2 lòng bàn tay khoảng 20 lần để làm ấm và đồng nhất thuốc.
  • Rút không khí vào ống tiêm sao cho bằng với lượng insulin được chỉ định. Mở nắp, sát khuẩn nắp cao su lọ insulin bằng cồn. Cắm kim qua lớp cao su rồi bơm không khí vào lọ.
  • Dốc ngược lọ thuốc rồi kéo ống tiêm để lấy lượng insulin theo yêu cầu và rút kim ra khỏi lọ.
  • Chọn vị trí tiêm thuốc (bụng, đùi, cánh tay).
  • Sát trùng vùng da cần tiêm và cố định vị trí tiêm bằng ngón tay cái và trỏ.
  • Đâm kim một góc 45 hoặc 90 độ so với bề mặt da (tùy tình trạng béo, gầy và độ dài kim) sao cho mũi kim tiêm đi vào lớp mô dưới da rồi từ từ bơm thuốc trong khoảng 5 -10 giây, sau khi tiêm hết thuốc thì giữ nguyên tư thế khoảng 6 giây rồi rút kim ra.
  • Hủy bơm tiêm đã dùng và không nên tái sử dụng.

2.  Bút tiêm insulin:

Bút tiêm đã được nạp sẵn insulin, lấy bút ra khỏi tủ lạnh, tháo nắp và lăn tròn bút trong lòng bàn tay 10 lần, sau đó di chuyển bút lên xuống 10 lần cho đến khi dung dịch đồng nhất.

Gắn kim tiêm mới thẳng với thân bút, rồi tháo nắm lớn bên ngoài và nắp nhỏ bên trong, không nên gắn quá chặt để tránh làm hỏng miếng nệm cao su.

Xoay nút chọn liều tiêm chọn 2 đơn vị, hướng đầu kim tiêm lên trên, gõ nhẹ vào đầu bút tiêm vài lần. Ấn nút về số 0 và kiểm tra xem insulin có trào ra ở đầu kim hay không. Thử lại nếu insulin không trào ra thành giọt ở đầu bút.

Xoay nút chọn liều tiêm để lựa chọn số đơn vị insulin cần tiêm theo chỉ định.

Sát trùng vị trí tiêm, giữ thẳng kim thẳng góc 90 độ và tiêm vào da. Ấn nút tiêm cho tới khi vạch chỉ liều tiêm về mức 0 và giữ trong khoảng 10 giây rồi rút kim.

Tháo kim và hủy kim sau khi dùng.

  1. Bảo quản thuốc:
  • Khi chưa mở nắp lọ: Tốt nhất để ở nhiệt độ khoảng 2 – 80C, thường là để trong ngăn mát tủ lạnh, tuyệt đối không được để trong ngăn đá. Thời gian bảo quản có thể lên đến một năm tùy nhà sản xuất (có ghi trên bao bì sản xuất).
  • Khi đã mở nắp lọ: Có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng, ngăn mát tủ lạnh. Không để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Có thể bảo quản khoảng 4 – 6 tuần.
  1. Biến chứng do tiêm insulin:
  • Hạ đường huyết:Triệu chứng: chóng mặt, hoa mắt, vã mồ hôi, hồi hộp, mệt… nặng có thể dẫn đến hôn mê, tử vong. Đây là biến chứng nguy hiểm. Để phòng ngừa, cần phải tiêm insulin đúng liều, đúng kỹ thuật. Sau khi tiêm insulin, người bệnh cần theo dõi cẩn thận các dấu hiệu của hạ đường huyết. Khi có các dấu hiệu trên, cần cho người bệnh ăn hoặc uống các loại thực phẩm có đường như viên đường, kẹo ngọt, trà đường, sữa đường… Sau đó nhanh chóng đưa đến các sở y tế gần nhất để được theo dõi, điều trị đồng thời điều chỉnh liều insulin nếu cần.
  • Dị ứng insulin: Sau khi tiêm insulin người bệnh thấy bức rứt, nổi mề đay, phát ban, khó thở, buồn nôn, nôn ói…Nếu gặp những triệu chứng kể trên cần phải ngưng tiêm thuốc ngay lập tức và đến các cơ sở y tế để được thay đổi phương pháp điều trị thích hợp.
  • Loạn dưỡng nơi tiêm: Có thể gặp phì đại hoặc teo đét nơi tiêm. Nguyên nhân thường do tiêm thuốc vào cùng một vị trí quá nhiều lần. Để tránh tai biến này, cần phải thay đổi vị trí tiêm mỗi lần tiêm.
  • Nhiễm trùng nơi tiêm: Dự phòng bằng cách đảm bảo đúng qui trình, rửa tay, sát khuẩn, tốt nhất sử dụng bơm, kim tiêm một lần.

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA MEDIHOUSE

Mở cửa: 7:30 – 16:30 (T2 đến T7)

94 An Bình, Phường 5, Quận 5, Tp.HCM

Website: https://medihouse.com.vn/

Hotline: 18009396

Để lại bình luận