Skip to content Skip to footer

HẠ ĐƯỜNG HUYẾT TRÊN BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CÓ NGUY HIỂM KHÔNG ?

I. ĐỊNH NGHĨA:

Hạ đường huyết là khi đường máu giảm dưới mức 70 mg/dL (3,9mmol/l)

Đây là tình trạng cấp cứu nội khoa trên người bệnh đái tháo đường, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới co giật, hôn mê hoặc nặng nề hơn là tử vong.

Hạ đường huyết là rào cản lớn trong việc kiểm soát đường huyết mục tiêu. Sau cơn hạ đường huyết, người bệnh thường tuân thủ kém trong điều trị, tự giảm liều thuốc và thường ăn thêm kẹo, bánh, uống nước ngọt… dẫn tới đái tháo đường kiểm soát kém, không đạt mục tiêu điều trị và gây ra các biến chứng.Do đó người bệnh Đái tháo đường nên có thiết bị đo đường huyết theo dõi tại nhà nhằm xác định có hạ đường huyết thật sự không và có hướng xử trí thích hợp.

II. NGUYÊN NHÂN:

Nguyên nhân thường gặp gây hạ đường huyết trên bệnh nhân tiểu đường là:

  • Insulin: Liều insulin quá cao, nhầm lẫn giữa insulin nền và insulin trộn, không ăn đúng giờ sau tiêm, tiêm sai kỹ thuật (Ví dụ: Tiêm trước khi đi khám bệnh và không ăn, chờ làm xét nghiệm máu, nhầm lẫn kim U100 và U40 gây tăng liều insulin, tiêm sâu vào cơ, không đổi vị trí tiêm…)
  • Sulfonylurea ( glibenclamide, glimepiride,…): thuốc có nguy cơ hạ đường huyết cao hơn các thuốc khác
  • Chế độ ăn kiêng không hợp lý, bỏ bữa, ăn trễ.
  • Tập thể dục quá sức nhưng chưa ăn
  • Uống rượu bia nhiều

III.TRIỆU CHỨNG NHẬN BIẾT:

Người bệnh có thể có các dấu hiệu sau:

– Rối loạn thần kinh thực vật: cảm giác đói, lo lắng, bồn chồn, vã mồ hôi, run tay chân, hồi hộp, tim đập nhanh, buồn nôn, nôn.

– Rối loạn thần kinh trung ương: đau đầu, mờ mắt, nhìn đôi, giảm trí nhớ, co giật, hôn mê, có thể có dấu hiệu thần kinh khu trú gây nhầm lẫn đột quỵ não: liệt ½ người, tổn thương thần kinh sọ.

– Rối loạn tâm thần: Lú lẫn, kích động, nói sảng, ảo giác, hành vi bất thường.

– Các triệu chứng cải thiện sau khi bổ sung glucose

Đái tháo đường lâu năm hoặc hạ đường huyết tái phát nhiều lần có thể gặp hạ đường huyết không triệu chứng do giảm hoạt động hệ thần kinh tự chủ.

 

IV. XỬ TRÍ TẠI NHÀ:

a/ Đường miệng: Đối với trường hợp người bệnh còn tỉnh:

-Ăn hoặc uống ngay 15 -20 g glucose. Kiểm tra lại đường huyết sau 15 phút, lặp lại đến khi đường huyết trên 100 mg/dl. Sau đó ăn 1 cử ăn nhẹ, tạm  ngưng các loại thuốc tiểu đường, kiểm tra lại đường huyết sau 1 giờ.

– Thức ăn tương đương 15 g Glucose:

  • ½ ly nước trái cây hoặc nước ngọt ( 120 ml)
  • 3 viên đường
  • 1 muỗng canh hoặc 3 muỗng cà phê đường hay mật ong
  • 6-7 viên kẹo cứng

b/Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da 1 mg Glucagon (nếu có) khi hạ đường huyết nặng, hôn mê, rối loạn tri giác, không ăn uống được

– Lưu ý:

Khi bệnh nhân hôn mê, đưa ngay vào bệnh viện nhằm tiến hành truyền glucose đường tĩnh mạch. Tuyệt đối không được mở miệng bệnh nhân để đổ nước đường vào miệng có thể làm dung dịch đường vào đường hô hấp và gây nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Hạ đường huyết do thuốc Sulfonylurea có thể kéo dài 24-48 giờ.

Sau khi ổn định tình trạng hạ đường huyết, nên khám, tư vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết.

V. PHÒNG NGỪA HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

– Thuốc điều trị đái tháo đường: Tiêm insulin và uống thuốc hạ đường huyết đúng liều lượng và đúng thời điểm.

– Bữa ăn: không bỏ bữa ăn, thời điểm tiêm insulin phải phù hợp với bữa ăn.

– Hoạt động hàng ngày: Nếu hoạt động nhiều hơn hàng ngày hay tập thể dục nhiều hơn bệnh nhân nên ăn nhẹ trước khi hoạt động

– Bệnh nhân phải để ý nhận biết những dấu hiệu hạ đường huyết để có thể xử trí sớm.

– Khám bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị các bệnh lý gây hạ đường huyết.

 

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA MEDIHOUSE

 Mở cửa: 7:30 – 16:30 (T2 đến T7)

 94 An Bình, Phường 5, Quận 5, Tp.HCM

 Website: https://medihouse.com.vn/

 Hotline: 18009396

Để lại bình luận