Skip to content Skip to footer

BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Võng mạc là nơi tiếp nhận hình ảnh đưa lên não xử lý. Hoàng điểm là một phần của võng mạc, cho hình ảnh tinh tế nhất, giữ chức năng thị lực trung tâm. Vì vậy, tổn thương võng mạc, đặc biệt là hoàng điểm có thể gây giảm hoặc mất thị lực.

Bệnh võng mạc đái tháo đường là tình trạng tổn thương các mạch máu nhỏ ở võng mạc gây ra do đái tháo đường. Tăng đường huyết trong thời gian ngắn có thể gây mờ mắt thoáng qua, biến mất khi lượng đường về bình thường. Nếu đường huyết cao trong thời gian dài sẽ làm tổn thương các mạch máu nhỏ ở mắt. Các mạch máu tổn thương kèm sự tăng sinh mạch máu, có thể gây sẹo, có thể gây bong võng mạc hoặc tăng nhãn áp. Khoảng 1/3 người đái tháo đường trên 40 tuổi có bệnh võng mạc đái tháo đường. Đây là nguyên phổ biến nhất gây mất thị lực ở người đái tháo đường. Phát hiện và điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường sớm giảm nguy cơ mù tới 95%.

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ MẮC BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG:

  • Thời gian mắc đái tháo đường
  • Tăng đường huyết
  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn lipid máu
  • Có thai
  • Hút thuốc lá

Để ngăn ngừa biến chứng mắt, bệnh nhân đái tháo đường cần quản lý tốt đường huyết, huyết áp, lipid máu, không hút thuốc lá, tầm soát bệnh theo đúng lịch. Đối với bệnh nhân đái tháo đường trong thời kỳ mang thai (khác đái tháo đường thai kỳ), có khả năng sẽ phát triển nhanh các vấn đề về mắt. Do đó trong thời kỳ mang thai nên khám mắt thường xuyên hơn. Ngoài ra, nguy cơ biến chứng mắt sẽ tăng theo thời gian mắc đái tháo đường.

THỜI ĐIỂM KHÁM MẮT TẦM SOÁT BIẾN CHỨNG VÕNG MẠC:

  • Trong vòng 5 năm kể từ khi chẩn đoán Đái tháo đường type 1 và ngay khi chẩn đoán Đái tháo đường type 2, sau đó mỗi 1-2 năm hoặc thường xuyên hơn theo chỉ định bác sĩ mắt.
  • Bệnh nhân đái tháo đường trước khi mang thai hoặc trong vòng 3 tháng đầu. Khám lại vào các tam cá nguyệt sau khi cần và cho đến 1 năm sau sinh.

TRIỆU CHỨNG: Giai đoạn đầu có thể không triệu chứng, vì vậy bệnh nhân đái tháo đường nên tuân thủ lịch tầm soát nhằm phát hiện sớm bệnh lý. Khi bệnh tiến triển hơn có thể có:

  • Cảm giác có đốm đen (ruồi bay) hoặc các sợi màu đen lơ lửng trước mắt.
  • Khi nhắm mắt thấy lóe sáng ở vị trí cố định.
  • Nhìn mờ.
  • Hình ảnh méo mó, gợn sóng khi nhìn các đường thẳng, sàn nhà mấp mô.
  • Thấy những vùng tối hoặc mất thị lực.
  • Giảm cảm nhận màu sắc, khó phân biệt màu.

Tầm nhìn bị thu hẹp.

 

CÁC BƯỚC KHÁM MẮT

  1. Đo thị lực
  2. Khám tổng quát về mắt: đo nhãn áp, khám mi mắt, kết giác mạc, tiền phòng, mống mắt, thủy tinh thể đánh giá chung chức năng của mắt
  3. Tra thuốc giãn đồng tử để khám dịch kính, võng mạc. Giãn đồng tử là cách tốt nhất kiểm tra các vấn đề biến chứng mắt do đái tháo đường. Bác sĩ sẽ nhỏ thuốc vào mắt để làm giãn đồng tử, nhằm giúp quan sát được rộng hơn vùng phía sau mắt. Đồng tử sẽ bị giãn trong vài giờ sau thuốc, gây ra một số tác dụng phụ như nhìn mờ, chói mắt (bình thường gặp ánh sáng, đồng tử sẽ tự điều tiết co lại), đau mắt, tăng nhãn áp…Do đó bệnh nhân nên có người đi cùng và không tự lái xe khi khám đáy mắt.
  4. Chụp hình màu đáy mắt để nhận định các tổn thương giai đoạn sớm

5. Nếu đã xuất hiện các tổn thương, chụp mạch máu huỳnh quang và chụp cắt lớp quang học (OCT) để đánh giá, theo dõi tổn thương.

ĐIỀU TRỊ

Ngoài kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, lipid máu, không hút thuốc lá, tùy theo giai đoạn bệnh VMĐTĐ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp như: theo dõi, laser quang đông võng mạc, tiêm nội nhãn thuốc ức chế tăng sinh mạch máu (anti-VEGF) hoặc Corticoid chống phù hoàng điểm, phẫu thuật.

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA MEDIHOUSE

Mở cửa: 7:30 – 16:30 (T2 đến T7)

94 An Bình, Phường 5, Quận 5, Tp.HCM

Website: https://medihouse.com.vn/

Hotline: 18009396

Để lại bình luận